Hãy tưởng tượng bạn đã dành nhiều năm liền ăn ngủ với code để học hỏi và không ngừng cải thiện khả năng lập trình của mình, tuy nhiên khi các công cụ AI xuất hiện và giải quyết các vấn đề khó khăn của bạn chỉ trong vài giây ngắn ngủi, khiến bạn không khỏi lo ngại rằng ChatGPT hay Codex nói riêng và các công cụ AI nói chung sẽ có cơ hội thay thế bạn trong tương lai gần. Nhất là khi các công nghệ này đang ngày càng trở nên tốt hơn.
Tuy sự “thần thánh” và tiện dụng của AI là không thể chối cãi, hiện nay các công cụ này đã có thể hoàn thành rất tốt những nhiệm vụ mà trước đây đòi hỏi phải có lập trình viên thực hiện như: viết code, testing, đưa ra đề xuất cải tiến,…Điều này hiển nhiên giúp AI trở thành một công cụ đắc lực để cải thiện hiệu xuất làm việc của con người, nhưng vẫn chưa đủ để thay thế hoàn toàn nếu con người có các kĩ năng cốt lõi sau đây.
1. Kĩ năng học quan trọng hơn kĩ năng code
Nghe có vẻ khó tin nhưng con người có khả năng học nhanh hơn máy rất nhiều. Thuật ngữ “Machine Learning” hay “Máy học” khiến người ta thần thánh hoá khả năng xử lý dữ liệu của máy tính, tuy nhiên con người không cần nhiều dữ liệu đến như vậy để đạt được trình độ học tập tương tự. Con người có thể dễ dàng ghi nhớ một hình ảnh bằng việc áp dụng phương pháp phỏng đoán, đơn giản hoá hình ảnh, liên tưởng đến thực tế từ đó ghi nhớ chúng một cách sâu sắc, trong khi máy tính cần xử lý hàng trăm, hàng ngàn dữ liệu để tối ưu hoá thuật toán của mình.
Tiếp nhận một kiến thức, ghi nhớ chúng và thường xuyên vận dụng lại vào đời sống, đó là cách để con người học tập hiệu quả. Tuy nhiên như thế chưa đủ để đánh bại AI, để không phải chật vật bắt kịp tốc độ “học” của máy móc, lập trình viên cần có một kĩ năng học tập hiệu quả mà sự tập trung chính là cốt lõi của quá trình ấy.
Tập trung bao gồm việc duy trì sự chú ý, sắp xếp thông tin theo mức độ ưu tiên hoặc theo nhóm nội dung, chắt lọc những thông tin quan trọng ra khỏi những thông tin không quan trọng và tập thói quen ưu tiên chất lượng hơn số lượng.
Có thể nói rằng, để có thể tập trung, bạn cần có khả năng sàng lọc thông tin. Hay nói đúng hơn, bạn cần khả năng nhận biết điều gì quan trọng và điều gì không.
2. Tư duy và tư duy phản biện luôn song hành
Không phải tự nhiên mà các phát kiến vĩ đại của loài người được hình thành, chúng được đề cập và chứng minh khi và chỉ khi các nhà khoa học có những suy nghĩ đi ngược lại với hiểu biết vốn có của loài người. Nói các khác, tư duy phản biện là cách duy nhất để thúc đẩy sự phát triển của kiến thức.
Bạn có thể tư duy phản biện khi biết cách chia nhỏ các vấn đề phức tạp thành từng phần, phân tích và đánh giá chúng để đưa ra quyết định. Nói một cách ngắn gọn, để phát triển tư duy phản biện con người cần biết cách tự đưa ra kết luận và tìm cách giải quyết mà không xem cách giải quyết cũ là điều hiển nhiên.
3. Sự hiếu kì là nhiên liệu của mọi hành trình học hỏi
Bạn có bao giờ tự hỏi điều gì đã thúc đẩy các nhà khoa học khám phá? Nhớ đâu họ đã có những phát minh quan trọng đưa nhân loại đến được vị trí như hôm nay? Ở bất cứ lĩnh vực nào, từ nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục,…đến những ngành vĩ mô hơn như khoa học vũ trụ, nguyên tử,…nhờ vào sự hiếu kì vốn có, con người luôn muốn được biết nhiều hơn, từ đó họ tìm tòi và khám phá mọi thứ chưa được giải đáp.
Sự tò mò, hiếu kì không phải một yếu tố bẩm sinh mà hoàn toàn có thể luyện tập được. Bằng cách tập đặt ra các câu hỏi trong khi lập trình như: “Còn thiếu gì nữa không? Có cách nào để code clean hơn không? Cần test thêm gì nữa để không xảy ra lỗi?” Coder sẽ dần dần hình thành thói quen xây dựng tính tò mò để thúc đẩy động lực khám phá và học tập nhiều hơn nữa.
Dù AI có phát triển nhanh và hiện đại đến đâu, những kĩ năng cốt lõi trên giúp cho lập trình viên có thể chuẩn bị cho mình một hành trang trở thành một Coder không thể bị thay thế.